Tại sao nuôi cá cảnh hay bị chết?

Một trong những khó khăn và tồn tại mà không ít người nuôi cá cảnh là tình trạng nuôi cá cảnh hay bị chết một cách bất thường và không rõ nguyên nhân. Điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới sinh thái của bể cảnh và tâm lý người nuôi. Vậy, tại sao nuôi cá cảnh hay bị chết? Một số chia sẻ dưới đây của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này và sớm có các biện pháp để khắc phục.

1. Nhiệt độ nước

Cá là loài động vật biết nhiệt, vì thế chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ nước. Và mỗi loài cá chỉ có thể sống ở khoảng nhiệt độ nước nhất định.

Ví dụ dòng cá nhiệt đới như bảy màu, cá mún, cá đá thì nhiệt độ nước lý tưởng là khoảng 20-27 độ C. Nếu như hồ cá ngoài khoảng nhiệt độ này, đặt biệt là khi bạn đặt hồ cá trong phòng máy lạnh, dẫn đến việc cá không quen với nhiệt độ nước, từ đó khiến cá chết.

Ngoài ra, nhiệt độ nước thay đổi quá đột ngột cũng khiến cá dễ bị sốc, và ra đi.

Nhiệt độ nước

Hiện tượng này hay xảy ra khi người chơi mới mua cá từ tiệm về, rồi thả cá trực tiếp vào hồ – gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (Do nhiệt độ giữa nước cũ ở tiệm và nước mới trong hồ khác nhau)

Tương tự khi bạn chuyển cá từ trong nhà ra ngoài trời, và ngược lại, cũng dẫn đến việc thay đổi nhiệt độ nước đột ngột.

Chính vì thế, bạn cần phải biết cách thả cá mới mua vào hồ đúng cách, để có thể thả cá mới mua từ tiệm về một cách an toàn, mà không gây ra sốc và chết.

Ngoài ra, nhiệt độ bên ngoài thay đổi cũng khiến cho nhiệt độ nước thay đổi đột ngột, khiến cá dễ bệnh, sốc và ra đi.

Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, cá nuôi ở ngoài trời sẽ dễ bị sốc nhiệt. Ví dụ từ mùa khô sang mùa mưa, (khoảng tháng 5, tháng 6 ở miền Nam) – đây là lý do chính khiến cho cá chết sau mưa. Hoặc là mùa đông ở miền Bắc, do nước quá lạnh nên cũng có thể khiến cá chết.

Để giữ cho nhiệt độ hồ cá ổn định, anh em nên nuôi cá trong nhà. Nếu muốn nuôi ngoài trời, hồ cá nên ở nơi thoáng mát, có mái che, trồng nhiều rong bèo, hoặc sử dụng nắp đậy, lưới, sưởi để giữ cho nhiệt độ hồ ổn định.

Ngoài ra, anh em cũng có thể thử nuôi các loại cá chịu lạnh tốt, đây là những loại cá có khả năng sống sót tốt với môi trường nóng lạnh, khả năng sống sót cao khi nhiệt độ nước thay đổi đột ngột.

2. Chất lượng nước

Nước đối với cá, cũng như không khí đối với con người vậy.

Nếu như nước không sạch, chất lượng kém, nhiều chất độc thì cũng sẽ khiến cho cá của bạn dễ bệnh và ra đi sau vài ngày nuôi.

Nước sạch là một trong những yếu tố hàng đầu để cá của bạn có thể sống lâu và khỏe mạnh. Nước sạch ở đây có thể hiểu là nước không chứa clo, vi khuẩn, nấm, và các tạp chất có hại khác.

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên sử dụng nước máy để qua đêm để khử hết chất clo để nuôi cá. Sử dụng máy lọc nước, vật liệu lọc nước, tạo vi sinh cho hồ cá để giữ cho chất lượng nước trong hồ ở mức tốt nhất.

Thêm vào đó, bổ sung một lượng muối hột, khoảng 0.5% của hồ để phòng bệnh cho cá.

Chất lượng nước

Ngoài ra, thay nước, hút cặn dưới đáy hồ, để loại bỏ chất độc, phân thải, thức ăn thừa của cá, cũng góp phần cải thiện chất lượng nước đáng kể.

Bạn có thể thay nước lượng nước trong hồ khoảng từ 10%-30% cho mỗi lần thay.

Độ PH – đây cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng lại hay bỏ qua từ người mới chơi. Độ PH là độ kiềm và độ axit của nước.

Độ PH từ 6.5 trở xuống là thấp, nghĩa là nước của bạn có tính axit cao. Độ PH từ 8 độ trở lên là cao, nghĩa là nước của bạn có tính kiềm cao. Độ PH ở mức 7-7,5 là trung tính.

Và cũng như nhiệt độ nước, mỗi loài cá đều sống ở những độ PH khác nhau. Nên trước khi mua bạn nên tìm hiểu xem độ PH thích hợp cho cá của bạn là ở mức nào.

Nếu như độ PH trong hồ quá cao hoặc quá thấp, thì bạn nên dành thời gian để xử lý nước trong hồ trước khi thả cá.

Ngoài ra, một yếu tố khác như nồng độ amoniac, nitrat từ thức ăn thừa hay phân cá. Cũng làm giảm chất lượng nước trong hồ. Đây cũng chính là lý do, bạn nên thay nước, hút cặn thường xuyên.

3. Hội chứng hồ mới

Hội chứng hồ mới là hiện tượng hồ mới được làm, và chưa được ổn định. Trong hồ còn chứa nhiều tạp chất, khí độc (amoniac, nitrat) gây chết cá.

Nếu bạn đột ngột thả cá vào trong thời điểm này, sẽ khiến cho nồng độ khí độc đột ngột tăng lên, làm cho cá của bạn sốc và dễ ra đi sau vào ngày mới thả vào hồ.

Để tránh hiện tượng này, bạn nên chờ khoảng 3-4 tuần để hồ ổn định trước khi thả cá vào.

Hội chứng hồ mới

Để quá trình ổn định hồ diễn ra nhanh hơn, bạn có thể sử dụng nước cũ ở những hồ cá trong sạch, nơi có sẵn một lượng vi sinh có lợi cho hồ cá, giúp xử lý những chất độc hại trong hồ.

Nếu không có nước hồ cá cũ, bạn có thể mua vi sinh hồ cá rồi chăm vào. Điều này sẽ giúp hồ bạn ở trạng thái cân bằng và ổn định nhanh chóng, đồng thời giúp nước hồ cá của bạn siêu trong.

Để thiết lập hồ ổn định nhanh với hệ vi sinh có lợi phát triển trong hồ, bạn có thể tham khảo Cách tạo vi sinh cho hồ cá nhanh chóng.

4. Thức ăn

Cá là loài động vật rất tham ăn, chỉ cần thấy thức ăn, chúng sẽ ăn đến khi nào no căng bụng, thậm chí dẫn đến bội thực mới thôi.

Cho cá ăn quá nhiều là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cá của bạn ra đi sau vài ngày.

Việc cho nhiều thức ăn vào hồ không chỉ khiến cho cá ăn nhiều đến vỡ bụng mà còn khiền cho hồ bạn có tồn động thức ăn dư thừa, làm lượng khí độc trong hồ tăng lên và giảm chất lượng nước đáng kể.

Thức ăn

Để biết trong hồ bạn có nhiều thức ăn thừa hay không, bạn có thể kiểm tra những dấu hiệu sau đây:

  1. Bạn thấy trên mặt hồ có những váng nước mờ, đục: Đây là một trong những dấu hiệu cho biết bạn cho cá ăn quá nhiều. Nếu như bạn gặp phải tình trạng này, việc đầu tiên bạn cần làm, là ngưng cho cá ăn 2-3 ngày. Bạn không cần phải quá lo lắng về việc cá bị chết đói, vì hầu hết các loài cá có thể nhịn đói đến cả tuần mà vẫn ổn. Sau đó thay khoảng 10% nước trong hồ, thì nước hồ sẽ trong trở lại.
  2. Hồ cá của bạn bắt đầu xuất hiện giun trắng, hoặc sán trắng: Mặc dù có nhiều lý do gây ra hiện tượng giun, sán trong hồ. Nhưng việc có nhiều thức ăn thừa tồn động trong hồ, cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến, gây ra giun sán. Nếu bạn thấy những loài này, thì bạn nên bắt ra, thay nước trong hồ và hút cặn.
  3. Nấm mốc và tảo xuất hiện: Đây cũng là một trong những biểu hiện cho việc cho cá ăn quá nhiều. Thức ăn thừa sẽ đọng lại dưới đáy hồ. Nếu như không được dọn dẹp kĩ càng, hồ sẽ bắt đầu có tảo và nấm mốc.
  4. Cá bị rối loạn tiêu hóa, bể bong bóng: Đối với những loài cá có cơ quan tiêu hóa nhạy cảm, việc cho ăn quá nhiều cũng có thể khiến chúng bị bệnh và rối loạn tiêu hóa. Một căn bệnh khác thường gặp liên quan đến vấn đề này là bể bong bóng cá, khiến cá của bạn bơi bị nghiêng, hoặc chúi xuống đáy,..

Một vấn đề khác về thức ăn đó là cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài thức ăn dạng viên, việc bổ sung thức ăn tươi sống như: bobo, trùn chỉ, trùn huyết, để có được một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giúp cá sống khỏe, và có hệ miễn dịch chống lại bệnh tật tốt hơn. Đồng thời giúp đa dạng thức ăn, tránh tình trạng chán ăn ở cá.

Những nguyên nhân khác

  • Bị bệnh: Trong quá trình nuôi cá, bạn sẽ thấy cá cảnh của mình rất dễ nhiễm các bệnh như: Nấm, bọ ký sinh trùng trên thân… Những loại bệnh này hoàn toàn có thể gây chết cá.
  • Chọn các loại cá không phù hợp: Nếu bạn chọn nuôi những loại cá không phù hợp trong bể sẽ dẫn tới tình trạng chúng thường xuyên đánh nhau gây tổn thương và chết.
  • Chết lượng cá không đảm bảo: Nếu bạn lỡ mua phải loại cá có sức sống yếu thì trong quá trình nuôi việc chúng bị chết là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây cũng là nguyên nhân tại sao cá cảnh lại chết khá phổ biến.
  • Bên cạnh đó, một số người do quá vội vàng nên thường nuôi cá trong các bể cảnh mới vẫn còn mùi keo và hóa chất cũng sẽ khiến cho cá dễ bị chết.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về: tại sao nuôi cá cảnh hay bị chết. Mong rằng những nguyên nhân mà chúng tôi đưa ra đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và sớm có các biện pháp khắc phục hoặc xử lý. Nếu bạn còn thắc mắc, hãy chia sẻ với chúng tôi để được tư vấn bởi các chuyên gia.

Nguồn: https://cadiahoaphat.com/tai-sao-nuoi-ca-canh-hay-bi-chet/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *