Hàng năm cứ vào lúc mưa nhiều thế này, khi tất cả cây cối đều phủ màu xanh mướt, đất chuyển màu nâu có mùi ngai ngái thì mấy đống rơm đậu nành thu hoạch hồi mùa khô đã kịp “lên men” và cho cả xóm tôi món nấm đậu nành ngon tuyệt.
Mùa nào cũng vậy, mỗi khi nấm bắt đầu mọc, cả nhà tôi ăn món chế biến từ nấm suốt. Nào là nấm xào tỏi, canh nấm nấu tôm hay cá lóc, nấm kho đậu hũ, nấm kho sả… đơn giản thế thôi mà ai cũng khoái. Nhiều hôm rộ hái được cả mấy ký, má tôi bày đổ bánh xèo linh đình, đứa nào cái miệng cũng bóng lưỡng, cái bụng no cành mà vẫn đòi thêm.
Nấm đậu nành rất lành, ăn mát, giòn tan nơi đầu lưỡi, cái vị ngọt ngọt, thơm thơm, bùi bùi ngon tuyệt… tuy làm đồng rất cực nhọc nhưng ăn món nấm này không ai bị nhức mỏi gì như khi ăn những loại nấm khác. Chỉ bị… mỏi lưng khi đi hái nấm và lặt nấm cho sạch mà thôi.
Quê tôi thuộc miền Tây, có nhiều món nấm như nấm mối, nấm tràm… Duy chỉ có món nấm đậu nành là còn duy trì được đến bây giờ. Đó là do nông dân còn trồng cây đậu nành, chứ đất trong vườn giờ sử dụng nhiều hoá chất nên lũ mối tiêu đâu hết, không còn làm tổ nữa nên không có nấm mối. Tràm cũng thế, rừng tràm ngày càng thu hẹp nên nấm tràm cũng hiếm hoi.
Nghe tôi than thở thèm nấm đậu nành, mẹ tôi đã kịp gửi lên một bịch nấm đã luộc sơ qua nước muối… đông lạnh. Tuy không được nếm sự tươi ngon lúc đầu, nhưng giữa Sài Gòn hoa lệ được nhấm nháp món dân quê, cả nhà tôi sướng rơn.
Cứ nhín chút chút làm nhiều món, lấy ra nấu canh với mướp, nấu cháo với lòng heo… món ăn có vị ngọt thanh và thơm “ăn đứt” nấm rơm bán ngoài chợ. Còn một ít thì đem kho chung với chả lụa. Xách cà men vô công ty để ăn trưa, có biết bao đồng nghiệp xin đổi ngang lấy… thịt. Ai cũng xuýt xoa “nấm gì mà ngon thế!”.