Cá Koi (Cyprinus carpio haematopterus) là loài cá chép đã được thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh, có nguồn gốc Trung Quốc nhưng nuôi phổ biến tại Nhật Bản. Chúng có quan hệ gần với cá chép vàng Carassius auratus. Nó còn có tên gọi khác là cá chép Koi hoặc cá chép Nhật theo cách gọi quen thuộc của Việt Nam. Cá chép Koi được mệnh danh là Quốc Ngư của Nhật Bản với nhiều màu sắc rực rỡ, thu hút ánh nhìn. Thú vui nuôi cá Koi làm cảnh và phong thủy không chỉ phổ biến ở Nhật Bản mà lan tỏa ở hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Cá Koi (cá chép Koi) đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế được du nhập vào Việt Nam cách đây khá lâu, được nhiều người ưa chuộng, yêu thích. Đây là loài cá có tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường và người nuôi. Hiện nay, phong trào nuôi cá Koi làm sinh vật cảnh mới thực sự nở rộ. Do đó, Nhân giống và ương nuôi cá Koi rất có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đặc biệt đối với những nơi có diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp.


Theo kết quả khảo sát kiểu hình cá chép Nhật sản xuất trong nước đã thống kê khoảng 36 dạng kiểu hình gồm nhiều biến thể khác nhau, tuy nhiên nhiều kiểu hình trong số này có tần số xuất hiện rất thấp. Cá Koi được chia ra làm hai loại: Koi chuẩn và Koi bướm.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cùng với thú chơi cá chép Koi làm cảnh cũng đã được người dân tiếp cận và bắt đầu phát triển. Cùng với sự phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị hiện nay của thị xã Gò Công nhiều sản phẩm của sinh vật cảnh có giá trị kinh tế cũng đã hình thành và phát triển như kiểng cổ bonsai Gò Công, tiểu cảnh hòn non bộ, những mô hình trồng hoa tết, mai nu Gò Công, dừa kiểng Bonsai…. Đặc biệt trong những năm gần đây đã bắt đầu hình thành các mô hình sản xuất kinh doanh cá kiểng các loại và những hoạt động giao lưu sản phẩm này đến thành phố Hồ Chí Minh, Long An và các tỉnh lân cận.
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Gò Công đã mạnh dạn đầu tư tận dụng ao đất, ao nuôi tôm không hiệu quả…. Chuyển sang phát triển mô hình nuôi cá cảnh đặc biệt là cá Koi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn thị xã Gò Công hiện nay có khoảng 600 ha nuôi trồng thuỷ sản (tôm, cá các loại) tập trung chủ yếu ở Bình Xuân, Bình Đông và Tân Trung…, trong đó có khoảng 20 ha chuyển sang ương nuôi cá cảnh và cá Koi được xem là đối tượng chủ lực, nhưng người nuôi chưa có quy trình sản xuất và ương nuôi hoàn chỉnh mà chỉ nuôi theo kinh nghiệm tự có.
Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Gò Công phối hợp với Hội nông dân xã Tân Trung thực hiện mô hình “Ương giống cá kiểng (cá Koi) trên ao đất” với qui mô: 2.000 m2 (01 hộ) tại ấp Sơn Qui B, xã Tân Trung, thị xã Gò Công. Thời gian thực hiện: 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2021). Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% cá Koi giống, được cán bộ kỹ thuật lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và ngư y của Trung tâm tập huấn kỹ thuật ương nuôi cá Koi trong ao đất 04 cuộc (trong đó tổ chức triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi 03 cuộc/mô hình và tổ chức 01 cuộc hội thảo đánh giá kết quả sau khi mô hình thực hiện xong). Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật bám sát theo dõi mô hình và hướng dẫn kỹ thuật hàng tuần trong suốt quá trình nuôi. Nông dân được hướng dẫn cách định lượng thức ăn. Sử dụng men vi sinh kết hợp với cho ăn để phát huy hết công dụng của men vi sinh.
Những nội dung chính của quy trình kỹ thuật áp dụng trong mô hình là: Hình thức nuôi cá Koi trong ao đất. Mật độ nuôi: 5 con/m2 , cỡ giống: 1.000 con/kg. Trong quá trình ương thức ăn phải đảm bảo độ đạm từ 30% trở lên. Thức ăn đảm bảo chất lượng và số lượng, cho ăn đúng phương pháp. Quản lý môi trường ao nuôi nuôi phải đảm bảo các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật cơ bản: pH: 6,5-8,5 độ giao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị. Nhiệt độ 25-350C, nước ương cá con phải ngọt hoàn toàn độ mặn không vượt quá 2 phần ngàn; định kỳ xử lý nước bằng men vi sinh. Thay nước thường xuyên.
|
Sau 5 tháng thực hiện mô hình, kết quả thu được: 1.600 kg (1,6 tấn) cá Koi, được thương lái từ Thành Phố Hồ Chí Minh mua với giá bán 150.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, thuốc thủy sản, men vi sinh, điện, công lao động…, người nuôi thu lãi được 107,6 triệu đồng.
|
Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phụ trách mô hình cho biết: “Hiện nay cá Koi là loài cá cảnh Được nhiều cơ quan ban ngành, công ty, những điểm tham quan du lịch sử dụng để nuôi làm cá cảnh có đầu ra tương đối ổn định. Tuy nhiên mô hình ương nuôi cá Koi giống trong ao đất còn rất mới mẻ trên địa bàn thị xã Gò Công và trên địa bàn tỉnh. Mô hình góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản. Để nhân rộng hiệu quả mô hình này, người nông dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cá Koi và khảo sát điều kiện tự nhiên có thích hợp nuôi hay không để tránh rủi ro trong quá trình nuôi”.
Nguồn sưu tầm: https://txgocong.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/mo-hinh-uong-nuoi-ca-kieng-trong-ao-at-huong-i-moi-mang-hieu-qua-kinh-te-cao/50475696