Khắc phục nguyên nhân ảnh hưởng cá cảnh sinh sản

Trong những mô hình nuôi các loài cá cảnh, đặc biệt là những mô hình chuyên sản xuất giống, người nuôi thường gặp hiện tượng xảy ra trên bầy cá của mình, cá cảnh sinh sản kém, sinh sản gián đoạn, đôi khi ngừng sinh sản. Hiện tượng trên xảy ra không liên tục hoặc kéo dài, đôi khi ngưng hẳn không thể phục hồi. Đây quả là một vấn đề khó khăn được bàn luận nhiều trên các diễn đàn cá cảnh lớn, hạn chế rất lớn đến tính ổn định của mô hình sản xuất.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng cá cảnh sinh sản kém. Các yếu tố như môi trường và nguồn nước, tuổi cá bố mẹ và số lần sinh sản, chất lượng nuôi vỗ, thức ăn, chăm sóc, quản lý, mùa vụ, thời tiết, dịch bệnh, tiếng động, bóng người, giá thể, nguồn gốc, di truyền và chất lượng cá bố mẹ…là những nguyên nhân trực tiếp tác động đến hiệu quả trong sinh sản. Khi thay đổi môi trường nước, di chuyển cá từ nơi này sang nơi khác, quá trình thay nước và cấp nước mới vào hồ, bể…có sự chênh lệch các yếu tố môi trường, sự khác biệt đủ lớn giữa các yếu tố môi trường, đã tạo ra những cú sốc đột ngột, trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến cơ chế hình thành, tái tạo trứng, tinh trùng, sản phẩm sinh sản khác.

cá cảnh sinh sản

                       Nguyên nhân ảnh hưởng cá cảnh sinh sản và cách khắc phục

Trực tiếp làm rối loạn chức năng sinh lý bình thường của cá, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, năng lượng, sự tích lũy dưỡng chất, cơ chế hoạt động của các tế bào…Khi bị sốc, cá bố mẹ tập trung toàn bộ thời gian, cho việc điều tiết các hoạt động bên trong, và bên ngoài cơ thể để lấy lại thế cân bằng chủ động. Chính vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sản.

Nguyên nhân chủ quan:

Những cặp cá bố mẹ còn non hoặc những cặp cá đã sinh sản nhiều lần, tuổi cao, thường sinh sản kém dần. Cá còn non, sản phẩm sinh sản chưa đạt độ chín mùi. Trong quá trình hoạt động sinh sản còn vụng về, chểnh mảng, hời hợt, do vậy chưa đủ kích thích con khác giới chăm chú hơn trong việc sinh sản. Những cặp cá quá già, sinh sản quá nhiều lần, thường sản phẩm trứng, tinh trùng liên tục giảm chất lượng, chậm chạp trong hoạt động sinh sản, nên chất lượng sinh sản không cao. Khâu nuôi vỗ cá hậu bị thành cá bố mẹ ít được quan tâm, và thực hiện chưa tốt. Những yếu tố như dụng cụ nuôi vỗ, nguồn nước, thức ăn, mật độ nuôi vỗ, thời gian nuôi vỗ, chế độ chăm sóc và quản lý…do thiếu quan tâm, nên tác động xấu đến chất lượng sinh sản, đôi khi ngừng sinh sản. Trong một năm sinh sản, sẽ có những thời khắc, thời điểm cá bố mẹ sinh sản rất kém, hoặc ngưng hẳn việc sinh sản. Điều này được lý giải liên quan đến đặc tính sinh học của từng loài cá, đến giai đoạn trứng, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu. Thông thường trứng có 6 giai đoạn, giai đọan 5,6 là thời điểm trứng bị thoái hóa đa số. Diễn biến thời tiết, khí hậu xấu, cá có xu hướng không tích lũy sản phẩm sinh sản, mà tập trung dưỡng chất cho việc duy trì sự sống.

Một số nguyên nhân khác và giải pháp khắc phục:

Các yếu tố dịch bệnh, tiếng động, bóng người đều làm cá chịu nhiều tổn thương về mặt sinh lý, giảm sức đề kháng. Hoảng loạn, rối loạn chức năng điều tiết, mất cân bằng các hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình và chất lượng sinh sản. Một số loài cá đòi hỏi phải cung cấp gia thể làm nơi gắn trứng, Tuy nhiên, thời điểm bố trí giá thể, loại giá thể, cách bố trí, thời điểm bố trí…không hợp lý nên làm cá bố mẹ rất khó khăn trong quá trình sinh sản, hạn chế rất lớn đến sản phẩm và chất lượng sinh sản. Nguồn gốc, di truyền và chất lượng cá bố mẹ ở thế hệ trước, nếu có sự quan tâm, cải thiện, chọn lọc giống chủ động, lập và theo dõi sơ đồ lai, có sự điều chỉnh từng thế hệ, sẽ kích thích tích cực, đến việc sinh sản và cải thiện, nâng cao sản phẩm sinh sản.

Tóm lại có rất nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc sinh sản của cá cảnh, với mức độ ảnh hưởng theo nhiều tác động khác nhau. Để hạn chế những vấn đề trên, cần nắm rõ kỹ thuật nuôi cá cảnh, triển khai các hoạt động trong từng công đoạn, qui trình nuôi, sản xuất giống có sự kết hợp, hài hòa; tạo môi trường ổn định, phù hợp với đặc điểm sinh học từng loài cá nuôi.

Nguồn: https://thucung.farmvina.com/anh-huong-ca-canh-sinh-san/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *